Taoist Art

Tử Hiện và Trư Đầu by Phuong Nguyen

Tử Hiện Thiền Sư, Mục Khê

Hai bức tranh của Mục Khê: Tử Hiện thiền sư và Trư Đầu hoà thượng.

Hai vị này là tiêu biểu dị nhân trong lịch sử Thiền tông. Họ là những du tăng lập dị lang bạt rày đây mai đó, không khoác tăng bào cũng không tu tập tại chùa mà lại yêu mến cuộc sống tự do muôn màu tục thế. Áo quần rách rưới tựa ăn xin, gương mặt khắc khổ với nụ cười tươi như trẻ nhỏ, phong thái có chút cuồng điên. Điểm chung của hai vị này là sư ăn thịt.

Tử Hiện là một thiền sư thời Đường, từng là môn sinh của thiền sư Động Sơn Lương Giới, người sáng lập thiền tông Tào Động. Tử Hiện không có môn sinh, cũng không đi thuyết pháp, nhưng ai ai cũng biết đến ông vì là thiền sư phá giới ăn thịt, món yêu thích nhất của ông là tôm (dù tên ông lại có chữ Hiện là con hến). Dù đông hay hạ ông đều khoác trên mình tấm áo vá tả tơi, ngày xách giỏ cói ra sông lội bùn, bắt tôm mang về tự chế biến làm bữa tối, đêm đến lang thang đền Bạch Mã lót giấy nằm nơi mái hiên, nhìn qua không thể phân biệt đấy là thiền sư hay là người hành khất. Một ngày nọ khi vừa bắt được một giỏ tôm và chuẩn bị ngắt đầu chúng, ông khựng lại và trong giây phút đó đạt đến giác ngộ. Vì lí do này mà ông thường được xem là biểu tượng của sự chuyển biến tâm thức từ một phàm phu tục tử sang cảnh giới giác ngộ, hơn là một nhà sư phá giới.

Trư Đầu Hòa Thượng, Mục Khê

Trư Đầu tên thật Mãnh Trí, nhưng vì thích ăn thịt heo nên người đời gọi ông là Trư Đầu. Không có nhiều ghi chép về tiểu sử của ông, nhưng có nhiều giai thoại thiền có thể làm sáng tỏ thêm về thân thế. Một trong đó là câu chuyện về một thiền sư xuất thân đồ tể. Một ngày kia, trong lò mổ tanh hôi mùi máu, khi ông đang mài dao chuẩn bị thịt một con heo như muôn vạn ngày khác, ông chợt bừng tỉnh trong một sát na, như thể vừa đạt được khải thị trong khoảnh khắc lưỡi dao loé sáng. Từ giây phút đó, ông từ bỏ công việc đồ tể, xuống tóc hành hương. Ông đã viết lại trải nghiệm này thành một bài thơ:

"Đêm qua tâm địa quỷ dạ xoa
Sớm nay sắc diện hoá Phật Đà
Ngẫm thấy tâm ma và chánh pháp
Đâu là khác biệt khó nhận ra."

Trong Phật giáo có tám giới luật mà người xuất gia phải gìn giữ, và trong đó có không sát sanh, ăn mặn là điều tuyệt đối cấm và sư nào phạm phải sẽ được xem là phá giới và bị trục xuất khỏi tăng đoàn. Về khía cạnh này thì cả Tử Hiện lẫn Trư Đầu đều phạm phải. Tuy nhiên một trong những khía cạnh khác của Phật giáo là người xuất gia phải chấp nhận cuộc sống hàn vi, khổ hạnh, nên tăng bào lộng lẫy và chỗ ăn nằm xa hoa phú quý là điều cần phải tránh. Trong quá khứ, nhà sư thường cũng là khất sĩ, vì lối sống tu tập không cầu vinh, tích trữ, chỉ có thể nhờ vào của bố thí từ người khác để sống qua ngày. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ tám, nhận thấy cuộc sống của giới tăng lữ đã có nhiều thay đổi, những điều luật mới mang tên Bách Trượng Thanh Quy đã được ban bố, trong đó có quy định rằng các sư nay có thể lao động tạo ra thực phẩm, dẫn đến sự ra đời của những thửa ruộng canh tác kề bên các thiền viện, phục vụ cho tôn chí tự cung tự cấp. Về một lẽ nào đó, việc Tử Hiện tự kiếm cái ăn và ở đây là nghêu sò ốc hến là hành vi báng bổ, nhưng phong thái sống của ông không cầu cạnh một ai, vất vả bươn chải tự lo cái ăn, cái mặc, hạnh phúc với tấm áo sờn rách nơi màn trời chiếu đất, cho thấy ông đã gìn giữ và phát huy cao độ những phẩm chất khác của thiền tông.

Tính hài hước là một trong những thành tố quan trọng trong triết lý thiền tông, và đây là điều tối cần thiết để một người có thể yêu mến được hai bức tranh về những hình tượng đầy tranh cãi như Tử Hiện và Trư Đầu. Sự hài hước không đơn thuần là những trò hề khả ố ngu si, để hiểu được thâm ý đặng cất lên tiếng cười thì một người cần phải được trui rèn bởi bao thử thách khắc nghiệt. Sự hài hước mà không có chánh niệm thì thô lậu, vô nghĩa, trong khi giảng giải về chánh niệm mà không ý thức được hạn chế của chính nó thì khô cứng và sáo rỗng. Đây cũng là đặc điểm rõ rệt để phân biệt thiền tông với các phân nhánh khác, bởi họ thường châm biếm những điều luật khắc nghiệt mà những tông phái khác nghiêm ngặt bảo tồn. Sự hài hước trong câu chuyện về Tử Hiện và Trư Đầu thường được xem là mang tính đả phá và bất kính, nhưng mỉa mai thay, dẫu cho họ là những nhà sư phá giới, chính nhờ hành vi này mà họ đã tìm thấy phút giây khai sáng rạng ngời.

Tử Hiện và Trư Đầu, có lẽ vì lối sống dị thường nhiều tương đồng, nên thường được vẽ thành tranh đôi, như hai vị sư lập dị khác là Hàn Sơn, Thập Đắc.

-

Phương tổng hợp và lược dịch từ nhiều nguồn.